Xem thêm

Văn hóa ẩm thực chay: Khám phá nét đặc trưng của người Việt

Ẩm thực chay đang thu hút sự quan tâm không chỉ từ những người theo tôn giáo, mà còn từ những bạn trẻ quan tâm đến sức khỏe và môi trường. Hãy cùng tìm hiểu...

Ẩm thực chay đang thu hút sự quan tâm không chỉ từ những người theo tôn giáo, mà còn từ những bạn trẻ quan tâm đến sức khỏe và môi trường. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về văn hóa ẩm thực chay của người Việt!

01. Ăn chay là gì?

Ăn chay là hình thức ăn uống sử dụng hoàn toàn nguyên liệu từ thực vật như rau xanh, trái cây, hạt, củ và không ăn thịt, cá hay các chế phẩm từ động vật.

Người ăn chay Người ăn chay sử dụng các thực phẩm như rau xanh, trái cây, hạt và không ăn thịt động vật

02. Nguồn gốc của nền ẩm thực chay

Nền ẩm thực chay có nguồn gốc từ nhiều yếu tố như tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị đạo đức và sức khỏe. Tuy nhiên, không nhiều người biết về nguồn gốc thực sự của hình thức ăn uống này.

Theo ghi chép trong tác phẩm “Trung Quốc Phật giáo sử”, việc ăn chay xuất phát từ vị vua Lương Võ Đế (502 – 536). Ông là một vị vua tôn thờ Đức Phật và để lại rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo cho Trung Quốc.

Ông cũng là người đầu tiên bắt buộc các Tăng Ni phải ăn chay. Từ đó, hình thức ăn uống này kéo dài đến tận ngày nay và lan rộng đến các quốc gia lân cận như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore,…

03. Các hình thức ăn chay phổ biến

Hình thức ăn chay có nhiều biến thể tùy vào từng nền văn hóa ở mỗi quốc gia. Hiện nay, có năm hình thức ăn chay phổ biến là:

  • Hình thức ăn chay Ovo - Lacto: Người ăn chay sử dụng sản phẩm từ thực vật cùng với trứng và sữa.
  • Hình thức ăn chay Ovo: Người ăn chay sử dụng sản phẩm từ thực vật và trứng, nhưng không sử dụng sữa.
  • Hình thức ăn chay Lacto: Người ăn chay sử dụng sản phẩm từ thực vật và sữa, nhưng không sử dụng trứng.
  • Hình thức ăn chay bán phần: Người ăn chay kiêng thịt đỏ nhưng vẫn ăn gia cầm, cá và các loại động vật có vỏ như tôm, cua. Nguyên liệu chính trong mỗi bữa ăn vẫn là thực vật.
  • Hình thức ăn chay thuần: Người ăn chay chỉ sử dụng sản phẩm từ thực vật mà không ăn thịt, sữa, trứng. Đồng thời, không sử dụng các sản phẩm động vật như da hoặc lông.

Thực phẩm chay Việc ăn chay hiện nay được chia ra thành nhiều hình thức khác nhau

04. Đặc trưng của ẩm thực chay tại Việt Nam

Mặc dù đều là món chay, nhưng cách chế biến ẩm thực chay ở từng vùng miền có sự khác nhau. Điều này tạo ra nét đặc trưng riêng trong ẩm thực chay từng địa phương. Dưới đây là những sự khác nhau trong ẩm thực chay từng vùng miền:

Ẩm thực chay ở miền Bắc

Người miền Bắc có gu ăn uống hài hòa, tinh tế nên các món chay được chế biến mang nét đặc trưng riêng không thể lẫn vào đâu được. Sự riêng biệt trong món chay của người miền Bắc không quá ngọt như miền Nam hay quá cay như miền Trung. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp các nhà hàng chay ở trung tâm thủ đô, cũng như ở các tỉnh thành như Thanh Hóa, Phú Thọ, Ninh Bình.

Ẩm thực chay ở miền Trung

Ẩm thực chay của người miền Trung là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Huế là điểm đến lý tưởng khi bạn muốn thưởng thức các món chay ở miền Trung vì đây được xem là cái nôi của ẩm thực chay ở Việt Nam.

Ẩm thực chay ở miền Nam

Mặc dù văn hóa ẩm thực chay ở miền Nam không lâu đời như miền Bắc và miền Trung, nhưng nền ẩm thực chay ở đây lại phong phú và đa dạng. Ẩm thực chay của miền Nam còn chịu sự ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác như Khơme, Chăm và một phần của người Hoa. Chính sự kết hợp từ các vùng miền đã tạo ra nét ẩm thực chay Nam Bộ độc đáo, thu hút hàng ngàn thực khách từ khắp mọi nơi.

05. Lợi ích của việc ăn chay

Một chế độ ăn chay lành mạnh và khoa học mang lại nhiều lợi ích bất ngờ cho bạn. Dưới đây là một số lợi ích tiêu biểu của việc ăn chay:

Giảm huyết áp

Ăn chay có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị cao huyết áp. Các món ăn từ thực vật chứa ít chất béo, natri và cholesterol, mang lại tác động tích cực cho sức khỏe.

Hạn chế nguy cơ béo phì

Chất béo từ thực vật được xem là chất béo tốt cho sức khỏe. Với các nguyên liệu từ thực vật có trong các món chay, bạn có thể giảm nguy cơ bị đột quỵ và béo phì.

Giúp làn da khỏe mạnh hơn

Ăn chay giúp làn da của bạn khỏe mạnh bởi cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất và nước. Ngoài ra, các loại trái cây và rau quả còn chứa vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật.

Giảm cholesterol

Các món chay từ thực vật giúp giảm lượng cholesterol có hại cho cơ thể. Nghiên cứu cũng cho thấy những người ăn chay lâu dài có lượng chất béo và cholesterol thấp hơn so với người không ăn chay.

Tăng tuổi thọ

Việc ăn chay với nhiều rau xanh và trái cây giúp đào thải độc tố và hóa chất tích tụ trong cơ thể. Điều này giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ.

Giảm tỷ lệ mắc tiểu đường tuýp II

Dùng chế độ ăn chay khoa học sẽ giúp bạn phòng tránh và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường tuýp II. Các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu và hạt cung cấp lượng đường ổn định trong máu.

Tăng cường sức khỏe tim mạch

Ăn chay có tác dụng tích cực trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch. Các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu, rau củ và trái cây có lượng chất xơ hòa tan cao, giúp giữ lượng đường trong máu ổn định.

Giảm trầm cảm

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ăn chay giúp bạn sống hạnh phúc hơn. Ăn chay giúp cơ thể trở nên nhẹ nhàng, tâm trạng tích cực và giảm nguy cơ bị trầm cảm.

06. Hướng dẫn ăn chay đúng cách

Nhiều người chọn ăn chay để bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên, việc ăn chay phải chọn lọc và phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân. Dưới đây là một số hướng dẫn ăn chay đúng cách:

Nên ăn chay ngắn hạn

Để không bị thiếu các chất dinh dưỡng, nhưng vẫn có thể phòng ngừa bệnh tật và thanh lọc cơ thể, bạn có thể ăn chay ngắn hạn theo tuần, tháng xen kẽ với việc bổ sung chất dinh dưỡng từ động vật.

  • Lưu ý: Bạn chỉ nên ăn chay khi đảm bảo nguồn thực phẩm mình bổ sung vào cơ thể có đủ protein, canxi, axit Omega-3, chất đạm, khoáng chất và các loại vitamin cần thiết cho cơ thể.

Dùng đa dạng các nhóm thực phẩm

Khi ăn chay, bạn không nên chỉ ăn một vài nhóm thực phẩm cố định trong một khoảng thời gian dài, mà nên thường xuyên thay đổi nhiều loại thực phẩm khác nhau. Ví dụ: để bổ sung protein và vitamin B12, bạn có thể sử dụng trứng, sữa hoặc sữa chua. Để có vitamin C, bạn có thể ăn cam, chanh hoặc cà chua.

Đa dạng thực phẩm chay Bạn nên dùng đa dạng các nhóm thực phẩm để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể

Hạn chế tiêu thụ các món chiên chứa nhiều dầu

Để tạo ra các món chay hấp dẫn hơn, nhiều người có khuynh hướng sử dụng lượng dầu nhiều hơn mức bình thường. Tuy nhiên, việc nạp vào cơ thể lượng dầu nhiều hơn cần thiết sẽ gây ra các tác động không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, khi chế biến các món chay, bạn nên dùng một lượng dầu vừa phải để có lợi cho sức khỏe hơn.

Không ăn quá nhiều cơm

Nhiều người có khuynh hướng ăn nhiều cơm để no lâu khi ăn chay. Tuy nhiên, trong cơm có hàm lượng tinh bột cao, nếu ăn nhiều sẽ tăng đường trong máu và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

07. Một số món ăn chay ngon

Dưới đây là một số món ăn chay đơn giản, dễ nấu mà bạn có thể tham khảo:

Canh chua chay

Canh chua chay Canh chua chay là một trong những món chay phổ biến của người Việt

Nguyên liệu:

  • 02 muỗng canh me chua
  • 100g giá
  • 02 cây dọc mùng
  • 02 quả cà chua
  • 1/2 quả thơm
  • 01 miếng đậu hũ
  • 05g ngò gai
  • 01 muỗng cà phê hạt nêm chay
  • 1/2 muỗng cà phê muối

Cách chế biến:

  1. Bắc lên bếp một chiếc chảo nóng và cho vào 2 muỗng canh dầu ăn, đợi đến khi dầu sôi lăn tăn thì cho thơm và cà chua vào đảo đều tay đến khi chín sơ sau đó nêm vào 1 muỗng cà phê hạt nêm, muối.
  2. Khi cà chua và thơm chín sơ thì tiếp tục cho vào nồi 500ml nước lọc và nước cốt me đã lọc, đảo đều rồi đun sôi.
  3. Đợi đến khi nước sôi thì tiếp tục cho đậu hũ đã cắt vào và đun thêm 2 phút sau đó cho tiếp dọc mùng vào.
  4. Tiếp tục cho giá, hành ngò và giá đã làm sạch vào nồi, đun thêm khoảng 2 phút rồi tắt bếp.

Hủ tiếu chay của miền Tây

Hủ tiếu chay Hủ tiếu chay là một món ăn ngon và thu hút nhiều sự quan tâm của du khách khi đến miền Tây

Nguyên liệu:

  • 500g sợi hủ tiếu khô
  • 300g nấm rơm
  • 02 quả mướp
  • 02 củ củ sắn
  • 02 củ củ cải trắng
  • 01 củ cà rốt
  • 1/2 củ củ cải muối
  • 200g tàu hũ ky
  • 01 cây chả chay
  • 02 miếng đậu hũ
  • 100g giá
  • 10 nhánh hẹ
  • 05 nhánh ngò gai
  • 01 ít húng quế
  • 100g đậu phộng rang
  • 03 muỗng canh đường phèn
  • 05 muỗng canh dầu ăn
  • 01 muỗng canh hạt nêm chay
  • Các loại gia vị: Muối, bột ngọt và tiêu xay

Cách chế biến:

  1. Bắc lên bếp một chiếc nồi cùng 3,5 lít nước nấu sôi. Khi nước sôi thì cho 1/2 củ cải muối, củ cải trắng, củ sắn, cà rốt vào rồi hạ nhỏ lửa và hầm trong khoảng 10 phút.
  2. Tiếp tục thêm mướp, nấm rơm vào và hầm trong 20 - 25 phút nữa.
  3. Nêm nếm gia vị với 1 muỗng canh muối, bột ngọt, đường phèn, hạt nêm chay.
  4. Đợi nước sôi trở lại thì thêm ngò gai, tiêu vào rồi tắt bếp.
  5. Giá và hủ tiếu thì trụng sơ trong nước sôi khoảng 20 giây rồi vớt ra để ráo.

Chả giò chay

Chả giò chay Chả giò chay là món ăn dễ chế biến và thích hợp cho những buổi họp mặt gia đình

Nguyên liệu:

  • 60 miếng bánh tráng
  • 200g bắp vàng
  • 300g củ sắn
  • 100g cà rốt
  • 150g đậu xanh cà vỏ
  • 100g đậu hũ trắng
  • 400g khoai môn
  • 30g hành boa rô
  • 30g nấm mèo
  • Các gia vị: Bột bắp, dầu mè, muối, tiêu xay, đường, hạt nêm, dầu ăn

Cách chế biến:

  1. Chế biến phần nhân chả giò: Cho vào tô phần rau củ trừ hành boa rô và khoai môn và đậu hũ. Dùng tay trộn đều hỗn hợp.
  2. Phi thơm hành boa rô, sau đó cho vào rau củ, đường, hạt nêm và xào trên lửa lớn trong khoảng 2 phút.
  3. Khoai môn đã bào sợi thì chiên giòn.
  4. Cho vào tô lớn phần rau củ xào, đậu xanh, khoai môn chiên, dầu mè, muối, đường, tiêu xay và dùng tay trộn đều.
  5. Cho phần nhân vào bánh tráng và cuốn tròn, dùng nước bột bắp để dán lại mép là hoàn tất.
  6. Cho các phần cuốn chả giò vào chảo nóng và chiên trên lửa vừa đến khi vàng đều.

Đậu hũ kho sả ớt

Đậu hủ kho Đậu hủ kho sả ớt là món ăn đơn giản, dễ làm và thích hợp để ăn trong những ngày mưa

Nguyên liệu:

  • 05 miếng đậu hũ chiên
  • 03 cây sả
  • 02 tép tỏi
  • 02 trái ớt
  • 01 muỗng canh nước tương
  • 1/2 muỗng cà phê hạt nêm chay
  • 02 muỗng canh dầu ăn
  • Các gia vị như đường, bột ngọt

Cách chế biến:

  1. Cho một chút dầu ăn vào nồi và đun nóng với lửa vừa, sau đó cho tỏi vào phi thơm. Tiếp tục cho sả, ớt vào và xào đến khi hỗn hợp dậy mùi thơm.
  2. Cho đậu hũ vào và các gia vị gồm nước tương, bột ngọt, đường, hạt nêm chay vào đảo đều. Nấu đến khi phần hỗn hợp hơi đặc lại thì tắt bếp.

08. Đôi lời từ AZ Careers & Training

Văn hóa ẩm thực chay đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. AZ Careers & Training hy vọng với các thông tin về ẩm thực chay được cung cấp trong bài viết, bạn sẽ hiểu hơn về ẩm thực chay và nét đặc trưng của các món chay ở từng vùng miền.

Tham khảo bài viết: Văn hóa ẩm thực là gì? Các yếu tố tác động đến văn hóa ẩm thực thế giới

1