Xem thêm

Mỡ máu cao uống gì? 9 loại nước giúp cải thiện tình trạng mỡ máu

Mỡ máu cao là một vấn đề đáng lo ngại và đang trở nên phổ biến ngày nay. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này hoặc muốn phòng ngừa, hãy không bỏ qua 9...

Mỡ máu cao là một vấn đề đáng lo ngại và đang trở nên phổ biến ngày nay. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này hoặc muốn phòng ngừa, hãy không bỏ qua 9 loại nước giúp cải thiện tình trạng mỡ máu dưới đây. Sử dụng đều đặn sẽ hỗ trợ cải thiện và ngăn ngừa tình trạng mỡ máu hiệu quả.

Thức uống có giúp cải thiện tình trạng mỡ máu không?

Mỡ máu cao là tình trạng tăng cholesterol, triglycerid (TGs) huyết tương hoặc cả hai, hoặc giảm nồng độ lipoprotein phân tử lượng cao (HDL-C), tăng nồng độ lipoprotein phân tử lượng thấp (LDL-C) làm gia tăng quá trình xơ vữa động mạch. Mỡ máu cao có thể có nguyên nhân tiên phát (do di truyền) hoặc thứ phát. Điều trị bằng thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thể lực và dùng thuốc hạ lipid máu và lưu ý điều trị căn nguyên. Nguyên nhân gây mỡ máu cao có thể là thứ phát (lối sống, ăn nhiều chất béo bão hòa, đái tháo đường, suy thận mạn, suy giáp, do dùng thuốc,...) hoặc tiên phát (đột biến gen, có tính gia đình,...).

Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn lipid máu mất cân bằng của các lipid do chế độ ăn uống thiếu khoa học, do dùng thuốc hoặc do di truyền. Cần xác định bệnh lý động mạch vành (ĐMV), các yếu tố nguy cơ (YTNC) tương đương bệnh mạch vành (đái tháo đường, bệnh động mạch ngoại biên, phình động mạch chủ bụng, bệnh động mạch cảnh có triệu chứng, nguy cơ bệnh động mạch vành > 20%).

Ngoài ra, còn lưu ý các yếu tố nguy cơ sau: Hút thuốc lá, tăng huyết áp (huyết áp > 140/90mmHg hoặc đang dùng thuốc hạ áp), nồng độ HDL-C thấp, gia đình có người mắc bệnh mạch vành (BMV) sớm (nam dưới 65 tuổi và nữ dưới 60 tuổi).

Việc không điều trị có thể tăng quá trình lắng đọng và hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch máu có thể đưa đến hậu quả mắc bệnh động bệnh động mạch ngoại biên, bệnh động mạch vành,... có thể có biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ não.

Trong quá trình điều trị mỡ máu cao, việc xây dựng một chế độ ăn khoa học là điều rất cần thiết, giúp hỗ trợ kiểm soát mức cholesterol trong máu. Một số loại thức uống có chứa nhiều dưỡng chất, có khả năng giúp cải thiện mỡ máu thông qua việc bổ sung thêm lượng chất xơ, giảm chất béo bão hòa.

Các loại thức uống khác nhau sẽ bổ sung những loại vitamin, khoáng chất khác nhau. Điều quan trọng là bạn cần có sự lựa chọn các loại nước phù hợp, có tác dụng hỗ trợ làm giảm cholesterol, cải thiện mỡ máu. Khi bạn giữ cholesterol ở mức ổn định sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch một cách đáng kể.

Mỡ máu cao uống gì để cải thiện?

Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể dùng thêm một số thức uống hỗ trợ cải thiện mỡ máu như:

1. Trà xanh

Trà xanh là một trong các loại thức uống tuyệt vời cho sức khỏe, nhất là đối với những người bị mỡ máu. Trà xanh có chứa catechin và epigallocatechin gallate, đây đều là những chất chống oxy mà bạn nên bổ sung cho cơ thể.

Vì những chất này có tác dụng là giảm cholesterol xấu và cholesterol toàn phần rất hiệu quả. Bạn chỉ cần rửa sạch lá trà xanh, vò nhẹ rồi cho vào ấm cùng với một tí nước sôi. Gạt bỏ phần nước đầu đi, cho lượt nước thứ hai vào hãm khoảng 5 - 10 phút là có thể dùng được. Bạn lưu ý không nên uống nước trà xanh khi bụng đói hoặc trước khi đi ngủ 1 - 2 tiếng để tránh bị mất ngủ.

Ngoài trà xanh thì trà đen cũng có tác dụng hỗ trợ tăng lượng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu, giúp cải thiện chức năng của mạch máu.

2. Sữa đậu nành

Bị mỡ máu uống gì cho tốt? Gợi ý bạn nên dùng sữa đậu nành mỗi ngày. Loại sữa này chứa chất béo bão hòa thấp. Do đó, khi bạn kết hợp chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol sẽ giúp giảm mức cholesterol xấu.

Đối với những người có nguy cơ hoặc đang bị mỡ máu, tốt nhất là nên dần thay thế sữa giàu chất béo bằng sữa đậu nành nguyên chất, hạn chế thêm đường, muối hoặc uống sữa tươi không đường để có thể giúp kiểm soát được mức cholesterol trong máu. Bạn nên tiêu thụ từ 2-3 khẩu phần thực phẩm hoặc đồ uống được làm từ đậu nành hằng ngày, mỗi khẩu phần tương ứng với 250ml sữa đậu nành.

Sữa đậu nành chứa chất béo bão hòa thấp tốt cho người bị máu nhiễm mỡ

3. Sữa hạnh nhân

Sữa hạnh nhân có nguồn gốc từ thực vật, nhờ có chứa axit béo không bão hòa đa nên có khả năng hỗ trợ làm giảm lượng cholesterol xấu. Ngoài ra, nó còn giàu canxi và vitamin D không chỉ tốt cho xương mà còn rất tốt đối với tim mạch. Chính vì vậy, người bị máu nhiễm mỡ đừng quên uống một ly sữa hạnh nhân không đường mỗi ngày. Loại sữa này cũng rất thích hợp dùng cho người ăn chay hoặc đang ăn kiêng.

4. Thức uống yến mạch

Trong 1 ly sữa yến mạch 25ml có chứa 1g beta-glucan, có tác dụng ức chế sự hấp thụ cholesterol từ thức ăn, đồng thời làm giảm cholesterol trong máu. Hàm lượng chất xơ hòa tan trong yến mạch cũng có khả năng làm chậm quá trình hấp thu chất béo và cholesterol. Cơ thể cũng cần có thời gian để có thể tiêu hóa hết lượng chất xơ có trong yến mạch. Điều này sẽ giúp bạn có cảm giác no lâu, nhưng vẫn cung cấp đủ năng lượng cho các hoạt động, hỗ trợ cho việc kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Thức uống từ yến mạch, kể cả sữa yến mạch có thể sử dụng để thay thế cho các sản phẩm từ sữa. Tốt nhất là bạn nên dùng thức uống yến mạch không đường, hoặc nếu thêm đường thì cần kiểm tra lượng đường vừa phải.

5. Nước uống cà chua

Cà chua là thực phẩm dễ tìm, giàu dưỡng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với người bị mỡ máu. Loại trái cây này rất giàu lycopene có khả năng cải thiện được mức độ lipid và làm giảm cholesterol xấu trong máu. Một điều thú vị ở cà chua là sau khi chế biến, có thể giúp tăng hàm lượng lycopene.

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ khi sử dụng 280ml nước ép cà chua mỗi ngày, dùng liên tục trong 2 tháng có thể giảm được mức cholesterol trong máu. Đó là lý do tại sao khi bị máu nhiễm mỡ, bạn nên bổ sung thêm một ly nước ép cà chua mỗi ngày. Bạn lưu ý chọn những quả cà chua đã chín mọng, đỏ thẫm để nước ép bớt chua, dễ uống hơn.

6. Sinh tố quả mọng

Nước ép hoặc sinh tố từ các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, quả nho, mâm xôi, anh đào,... vừa thơm ngon, ngọt mát, lại chứa nhiều dưỡng chất cực kì tốt cho sức khỏe. Hầu hết các loại quả mọng đều có nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ. Do đó, chúng có thể giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu một cách đáng kể. Thêm các loại quả mọng này vào chế độ ăn uống hằng ngày sẽ rất tốt cho những ai đang bị máu nhiễm mỡ. Bạn có thể ăn trực tiếp, làm sinh tố hoặc thêm vào sữa chua để ăn.

Sinh tố từ các loại quả mọng là sự lựa chọn tốt cho người bị máu nhiễm mỡ

7. Đồ uống có chứa sterol và stanol

Sterol và stanol là các chất tồn tại tự nhiên trong những loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như trái cây, rau củ, dầu thực vật, các loại hạt,... Sterol và stanol có cấu trúc hóa học gần giống với cholesterol, nên khi vào cơ thể, chúng sẽ chiếm lấy vị trí trên thụ thể của màng ruột.

Từ đó, chúng cạnh tranh, ngăn chặn sự hấp thu cholesterol của cơ thể. Lượng cholesterol không được hấp thu đó sẽ được cơ thể đào thải qua phân. Nhờ đó mà lượng cholesterol trong máu được giảm đi đáng kể.

Trong chế độ ăn của người bị mỡ máu cao, nên tăng cường thêm các loại thực phẩm, đồ uống giàu sterol và stanol như cám gạo, ngô, mầm lúa mì, dừa, cam, hạnh nhân, cà rốt, súp lơ trắng,... Bên cạnh đó, sterol và stanol cũng được bổ sung vào các sản phẩm như sữa, sữa chua, ngũ cốc, nước cam,...

8. Cacao

Polyphenol là chất chống oxy hóa tự nhiên, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm viêm, hỗ trợ tuần hoàn máu, hạ huyết áp và giúp giảm lượng cholesterol trong máu. Cacao là một trong những thức uống có nguồn polyphenol phong phú, có khả năng chống oxy hóa và kháng viêm mạnh mẽ, rất tốt cho những ai đang bị mỡ máu cao. Ngoài ra, cacao còn có chứa axit béo không bão hòa đơn cao, cũng hỗ trợ giúp làm giảm mức cholesterol.

Nghiên cứu cho thấy, khi sử dụng đồ uống cacao trong 1 tháng, với khoảng 450mg mỗi ngày sẽ giúp giảm cholesterol xấu, đồng thời tăng được cholesterol tốt. Tuy nhiên, khi dùng thức uống cacao, bạn nên hạn chế việc thêm đường, muối và chất béo sẽ tốt hơn.

"Bên cạnh những loại thức uống việc chuẩn bị thực đơn cho người bị máu nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng gì hàng ngày cũng rất quan trọng và hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị cải thiện lượng mỡ máu."

9. Rượu vang

Có thể bạn sẽ khá bất ngờ khi rượu vang lại có mặt trong danh sách những loại nước uống có tác dụng cải thiện tình trạng mỡ máu. Nếu bạn uống một lượng rượu vang vừa phải sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:

  • Chứa các hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp chống viêm, đông máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư.
  • Dùng một lượng nhỏ vang đỏ có thể giúp giữ lại cholesterol tốt trong cơ thể, giảm mức cholesterol xấu.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly mỗi ngày cho nam giới. Tránh lạm dụng vì có thể gây phản tác dụng, làm tăng mức cholesterol xấu, nguy cơ gây xơ gan, tăng cân, trầm cảm,...

Thưởng thức một ly rượu vang mỗi ngày có thể giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng máu nhiễm mỡ

Thức uống làm tăng mỡ máu nên tránh

1. Nước ép trái cây có lượng đường cao

Mặc dù trái cây có chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là có nhiều chất chống oxy hóa tốt cho người bị mỡ máu cao. Tuy nhiên, nó chỉ tốt khi bạn ăn nguyên quả. Còn khi ép thành nước, kèm với việc cho thêm đường để tạo vị ngọt, thì nó lại trở thành loại nước làm tăng đường và rối loạn lipid máu. Do đó, nếu muốn uống nước ép trái cây, bạn nên uống ở mức độ vừa phải một số loại như: nước ép cà rốt, bí đao, nước chanh,...

2. Thức uống chứa chất kích thích

Không riêng gì người bị mỡ máu cao mà tất cả chúng ta cũng đều nên tránh xa các loại nước uống có chất kích thích. Trong đó, điển hình là cà phê, nước ngọt có ga, soda, rượu, bia,... Những chất kích thích này nếu lạm dụng sẽ tác động lên hệ thần kinh, gây mất ngủ, căng thẳng, ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, tăng cholesterol trong máu, tăng huyết áp cùng nhiều tác hại khác đến sức khỏe.

3. Sữa nguyên kem

Đây là một trong những thực phẩm “âm thầm” làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu nếu bạn sử dụng nó hằng ngày. Dùng sữa nguyên kem trong một thời gian dài còn có nguy cơ gây thừa cân, béo phì. Vì vậy, nếu bạn có thói quen bắt đầu ngày mới bằng sữa nguyên kem hay bơ thì nên cân nhắc lại nhé!

4. Nước cốt dừa

Nước cốt dừa không chỉ được dùng trong chế biến ẩm thực, mà còn là thức uống chăm sóc sức khỏe và làm đẹp được nhiều chị em áp dụng ngày nay. Tuy nhiên, nước cốt dừa lại không tốt trong trường hợp bạn bị mỡ máu cao. Bởi vì trong nước cốt dừa có chứa axit béo no hàm lượng cao. Chất béo này làm tăng quá trình tổng hợp cholesterol có hại trong máu, từ đó làm tăng mỡ máu, nguy cơ gây nên các bệnh lý về động mạch, sỏi thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...

Nước cốt dừa có chứa axit béo no không tốt cho người bị máu nhiễm mỡ

Cần lưu ý gì khi sử dụng các loại nước uống giúp giảm mỡ máu

Việc sử dụng các loại nước uống phù hợp có tác dụng hỗ trợ cải thiện tình trạng mỡ máu, chứ không phải điều trị tận gốc được bệnh. Do đó, bạn cần kết hợp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cùng với chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh để giúp giảm mỡ máu hiệu quả. Đối với việc uống các loại nước giúp cải thiện sức khỏe, cần sử dụng kiên trì trong một thời gian dài mới nhận thấy sự cải thiện. Đồng thời, khi dùng các loại nước uống giúp giảm mỡ máu, bạn cũng nên lưu ý:

  • Chỉ sử dụng một lượng vừa phải, không nên lạm dụng uống quá nhiều.
  • Không nên uống khi bụng đói.
  • Không uống trước khi đi ngủ.
  • Cần kiểm soát kỹ lượng đường có trong các loại nước uống hằng ngày.

Thăm khám định kỳ để được kiểm tra sức khỏe tim mạch và tư vấn về chế độ dinh dưỡng

Việc kiểm tra sức khỏe theo định kỳ trước tiên sẽ giúp phát hiện kịp thời những vấn đề về sức khỏe. Nếu có bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm khác để củng cố chẩn đoán. Từ đó, bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Trường hợp người bệnh đang trong quá trình điều trị mỡ máu cao, thì việc thăm khám định kỳ là rất quan trọng. Bác sĩ theo dõi được mức độ đáp ứng điều trị bệnh của cơ thể, đồng thời tư vấn về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bị mỡ máu cao.

Để tầm soát, điều trị tình trạng mỡ máu cao cũng như các bệnh lý khác về tim mạch, mạch máu, lồng ngực, bạn có thể liên hệ theo thông tin sau:

Máu nhiễm mỡ là tình trạng đáng báo động vì nó đang có xu hướng trẻ hóa. Chính vì vậy, bạn nên chủ động phòng ngừa và cải thiện tình trạng mỡ máu thông qua chế độ ăn uống, lối sống, vận động hàng ngày. Đồng thời, tìm hiểu máu nhiễm mỡ uống gì và áp dụng những loại thức uống có lợi cho việc cải thiện tình trạng mỡ máu. Mỗi người cũng nên kiểm tra sức khỏe theo định kỳ để kịp thời phát hiện và có phương pháp điều trị mỡ máu cao, tránh những biến chứng nguy hiểm, nhất là liên quan đến tim mạch.

1